1. Định nghĩa kho bãi
Khái niệm kho bãi hay kho hàng (warehouse) trong logistics được dùng để chỉ nơi lưu trữ và bảo quản sản phẩm, các bán thành phẩm và thành phẩm nhằm mục đích cung ứng cho khách hàng nhanh chóng với chi phí thấp nhất khi có yêu cầu. Ngoài ra, nhiệm vụ của kho bãi còn bao gồm việc cung cấp thông tin về vị trí, tình trạng và điều kiện lưu trữ của các loại hàng hóa.
Đối với các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, việc có những kiến thức cơ bản về kho bãi sẽ giúp ích cho việc định hướng khi chọn các dịch vụ kho bãi hoặc chuẩn bị các thủ tục, chi phí thuê kho. Đối với nhân viên quản lý kho, đây là những kiến thức cần phải có trước khi bắt đầu công việc.
2. Các loại kho, cách phân biệt giữa kho bãi và trung tâm phân phối
Trong ngành logistics, có các loại kho cơ bản sau:
- Kho ngoại quan (bonded warehouse): Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện các dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng. Các kho ngoại quan có thể thuộc sở hữu của nhà nước hoặc các công ty tư nhân (Điều 22 Nghị định 154/2005/NĐ-CP,)
Tại các kho ngoại quan, chủ hàng hóa gửi kho có thể trực tiếp, ủy quyền cho chủ kho hoặc đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện các dịch vụ như gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; đóng ghép hàng hóa; phân loại phẩm cấp hàng hóa, bảo dưỡng hàng hóa. Ngoài ra, tại đây còn có thể chuyển quyền sở hữu hàng hóa, chuyển hàng hóa hai chiều giữa kho ngoại quan và cửa khẩu, giữa các kho ngoại quan với nhau và làm các thủ tục xuất nhập hàng hóa.
- Kho CFS (container freight station): Kho CFS (còn gọi là địa điểm thu gom hàng lẻ), là loại kho chuyên dụng để thu gom hoặc phân tách hàng lẻ vận chuyển chung công-ten-nơ. Kho CFS thường được sử dụng khi các chủ hàng không có đủ hàng để lấp đầy một công-ten-nơ (FCL). Dịch vụ ở các kho CFS bao gồm đóng gói, đóng gói lại, sắp xếp, sắp xếp lại hàng hóa chờ xuất khẩu. Tại đây, hàng hóa sẽ được đưa vào địa điểm thu gom để chờ làm thủ tục xuất-nhập khẩu nếu cần rồi mới chia tách hoặc đóng ghép chung công-ten-nơ để xuất khẩu ra nước ngoài.
Khu vực kho hàng lẻ (CFS) của Kuehne + Nagel Việt Nam có diện tích 11.000m2 và là một bộ phận trực thuộc trung tâm logistics Kuehne + Nagel ở Đồng Nai. Dưới sự quản lý của đội ngũ chuyên gia và nhờ vị trí địa lý thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu, thời gian vận chuyển và chất lượng hàng hóa lưu kho sẽ luôn được đảm bảo ở mức hiệu quả nhất.
- Kho bảo thuế (Tax suspension warehouse): Kho bảo thuế là kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế (Điều 4 Luật Hải Quan số 54/2014/QH13,). Theo lẽ đó, kho bảo thuế thường thuộc sở hữu của các doanh nghiệp và các doanh nghiệp này sẽ chịu tự chịu trách nhiệm, phối hợp với cơ quan hải quan để tạo điều kiện cho việc kiểm tra và giám sát kho bảo thuế.
Vì có nhiều nét tương đồng, khái niệm kho bãi (warehouse) và trung tâm phân phối (distribution center) thường bị nhầm lẫn với nhau. Để xác định liệu một cơ sở là kho bãi hay trung tâm phân phối, cần phải xét đến những yếu tố sau đây:
- Chức năng: Kho bãi chỉ có chức năng lưu trữ hàng hóa, trong khi trung tâm phân phối còn có các nhiệm vụ như vận chuyển, cross docking, đóng gói, xử lý và phân phối hàng hóa đến người dùng… Trong số đó, cross docking thể hiện rõ nhất chức năng của trung tâm phân phối vì đây là hoạt động bỏ đi chức năng lưu trữ để vận chuyển hàng trực tiếp đến các xe tải đầu ra (outbound truck), giúp giảm chi phí lưu kho cưng như chi phí vận chuyển.
- Thời gian lưu trữ hàng hóa: Thời gian lưu trữ hàng hóa ở các kho sẽ dài hơn và tốc độ luân chuyển hàng hóa ở nhà kho cũng thấp hơn so với trung tâm phân phối.
- Đối tượng phục vụ: Nhà kho hay kho bãi hầu như không có dịch vụ khách hàng, trong khi trung tâm phân phối tập trung vào mảng phục vụ cả các khánh hàng nội bộ và bên ngoài.
- Yêu cầu về công nghệ: So với kho bãi, các trung tâm phân phối có yêu cầu cao hơn về công nghệ để đáp ứng các yêu cầu về xử lý đơn hàng, quản lý kho, quản lý vận tải…
Ngoài các loại nhà kho nêu trên, một khái niệm nữa cần phải chú ý khi chọn dịch vụ kho bãi là trung tâm logistics.
Trung tâm Logistics (Logistics hub) là một khu vực bao quát, chứa đựng các cơ sở vật chất như các kho bãi, văn phòng, v.v nhằm mục đích hỗ trợ, thực hiện các hoạt động vận tải, logistics và phân phối hàng hóa trong và ngoài nước. Người thực hiện các hoạt động kể trên có thể là chủ của chính trung tâm logistics hoặc những người thuê sử dụng các cơ sở vật chất của trung tâm đó Ngoài ra các trung tâm logistics còn phải được kết nối với nhiều phương thức vận tải khác nhau: đường biển, đường bộ, đường hàng không…